#ls #lslawfirm #hinhthuc #hopdongthuongmai
Để được pháp luật thừa nhận giá trị pháp lý thì hợp đồng thương mại phải đảm bảo được điều kiện về cả nội dung và hình thức. Tuy nhiên trên thực tế, khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng chỉ tập trung vào nội dung mà không chú ý đến hình thức khiến nhiều giao dịch bị vô hiệu vì vi phạm điều kiện về hình thức. Để tránh rủi ro vi phạm và nắm rõ hơn quy định về hình thức của hợp đồng thương mại, hãy cùng LS Lawfirm tìm hiểu bài viết dưới đây!
Hình thức của hợp đồng thương mại
Theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 (”BLDS”), “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.” Dựa trên nguyên tắc đó, mặc dù Luật Thương mại 2005 (“LTM”) không có quy định chung về hình thức hợp đồng thương mại nhưng lại có quy định về hình thức đối với từng loại hợp đồng thương mại cụ thể, theo đó hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể (Điều 24, Điều 74 LTM).
Thứ nhất, hợp đồng thương mại được thể hiện bằng lời nói: Thông qua lời nói, hai bên tham gia hợp đồng đưa ra các thông tin về nội dung cơ bản của hợp đồng và đạt được thỏa thuận trong quá trình thương thảo hợp đồng. Khi các bên thỏa thuận được nội dung của hợp đồng có nghĩa là hợp đồng đã được giao kết và có hiệu lực.
Thứ hai, hợp đồng thương mại được thể hiện bằng văn bản: Văn bản là bản viết hoặc đánh máy, mang nội dung là những gì cần được ghi để lưu lại làm bằng chứng và có tính tin cậy cao. Theo quy định tại Điều 15 LTM, các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, hợp đồng thương mại được thể hiện bằng hành vi cụ thể: Thông thường, hình thức hợp đồng bằng hành vi cụ thể được sử dụng khi bên thực hiện hành vi giao kết hợp đồng đã biết rõ nội dung của hợp đồng và chấp nhận tất cả các điều kiện mà bên kia đưa ra, và bên kia không loại trừ việc trả lời bằng hành vi hoặc không đưa ra một yêu cầu rõ ràng về hình thức của sự trả lời chấp nhận.
Các loại hợp đồng thương mại phải được xác lập bằng văn bản
Căn cứ Điều 27, 90, 110, 124, 130, 142, 159, 168, 179, 193, 251, 285 LTM, các loại hợp đồng thương mại phải được xác lập bằng văn bản bao gồm:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương);
- Hợp đồng đại diện cho thương nhân;
- Hợp đồng dịch vụ khuyến mại;
- Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại;
- Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ;
- Hợp đồng dịch vụ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại;
- Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá;
- Hợp đồng đại lý;
- Hợp đồng gia công;
- Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá;
- Hợp đồng dịch vụ quá cảnh;
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hậu quả pháp lý của hợp đồng không tuân thủ quy định hình thức
Về nguyên tắc, hợp đồng thương mại vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ một số trường hợp được quy định tại Điều 129 BLDS:
- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Vì vậy nếu nghĩa vụ trong hợp đồng đã được thực hiện ít nhất hai phần ba thì hợp đồng có thể được thừa nhận giá trị pháp lý, theo đó một bên hoặc các bên gửi đơn yêu cầu đến Tòa án, sau khi xem xét đầy đủ các điều kiện của hợp đồng như đã nêu trên thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, trong một số trường hợp nhất định, nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế trong các giao dịch, pháp luật quy định bắt buộc hợp đồng phải được lập bằng văn bản, có những trường hợp bắt buộc phải công chứng. Nếu không tuân thủ điều kiện về hình thức này thì hợp đồng có thể bị vô hiệu và các bên phải trao trả cho nhau những gì đã nhận.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về Hình thức hợp đồng thương mại dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.