#ls #lslawfirm #hauquaphaply #kethonchuadudieukien
Kết hôn là việc xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ dựa trên Luật hôn nhân và gia đình, trong đó vợ và chồng phải thỏa mãn điều kiện kết hôn và phải đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Như vậy nếu kết hôn khi chưa đủ điều kiện kết hôn hoặc kết hôn trong trường hợp bị cấm kết hôn thì bị xử lý như thế nào? Câu trả lời sẽ được trình bày ở bài viết dưới đây!
Điều kiện kết hôn
Điều kiện kết hôn là những yêu cầu, pháp lý bắt buộc đối với nam, nữ và chỉ khi thỏa mãn điều kiện đúng pháp luật thì mới có quyền kết hôn.
Những quy định về điều kiện kết hôn được các nhà làm luật cân nhắc, xem xét phù hợp dựa vào phát triển độ tuổi sinh học, tâm sinh lý… của nam, nữ, đồng thời căn cứ vào phong tục, tập quán, truyền thông của mỗi dân tộc. Vì vậy, ở mỗi quốc gia đều có những quy định riêng, khác nhau về điều kiện kết hôn.
Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về điều kiện kết hôn?
Căn cứ theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (“Luật HNGĐ”) về điều kiện kết hôn thì nam, nữ phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Qua quy định trên, có thể thấy pháp luật đã thể hiện rõ điều kiện kết hôn phụ thuộc vào độ tuổi, sự tự nguyện, năng lực hành vi dân sự của nam, nữ khi kết hôn và quan hệ hôn nhân được xác lập không thuộc một trong những trường hợp mà pháp luật cấm kết hôn. Bên cạnh đó, Nhà nước quy định về hôn nhân giữa những người cùng giới tính thì không được công nhận là hôn nhân hợp pháp.
Hậu quả khi chưa đủ điều kiện kết hôn?
Theo Điều 8 Luật HNGĐ quy định về điều kiện kết hôn, nam, nữ không đủ điều kiện thì Nhà nước không công nhận và không cấp Giấy chứng nhận kết hôn. Chỉ khi thỏa mãn đủ điều kiện trên thì quan hệ hôn nhân được công nhận hợp pháp theo quy định pháp luật.
Thế nào là trường hợp cấm kết hôn?
Theo khoản 2 Điều 5 Luật HNGĐ có quy định hành vi được xem là hành vi bị cấm khi kết hôn như sau:
“a) Kết hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”
Nếu thuộc một trong những trường hợp trên thì nam, nữ không thỏa mãn điều kiện về kết hôn. Do đó, quan hệ vợ chồng xác lập mà vi phạm điều cấm trên thì hôn nhân không được pháp luật công nhận.
Chế tài xử lý khi vi phạm trường hợp cấm kết hôn là gì?
Nếu ai vi phạm trường hợp “kết hôn giả tạo” thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 10 - 20 triệu đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP). Theo khoản 11 Điều 3 Luật HNGĐ: “Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.”
Nếu nam, nữ kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn (nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên) vẫn duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật mặc dù đã có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng. Riêng người tổ chức cho người chưa đủ tuổi kết hôn thì bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng (Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP). Nếu đã bị phạt hành chính mà vẫn thực hiện thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm với Tội tổ chức tảo hôn theo Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015;
Nếu thuộc trường hợp lừa dối kết hôn, cưỡng ép kết hôn thì chế tài như sau:
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm theo quy định của Điều 181 Bộ luật Hình sự về Tội cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
Theo điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, nếu người nào cản trở kết hôn thì bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
Nội dung trên là những lưu ý về điều kiện kết hôn, trường hợp cấm kết hôn và chế tài xử lý khi vi phạm điều kiện cấm kết hôn. Bên cạnh đó, giúp cho các chủ thể có liên quan biết được và có hành vi phù hợp với quy định pháp luật nhằm hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực HNGĐ.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là thông tin cơ bản về “hậu quả pháp lý khi kết hôn chưa đủ điều kiện” dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Qúy khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với các Luật sư của LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.