#ls #lslawfirm #hauquaphaply #hopdongchuyennhuongquyensudungdat #vohieu
Trong rất nhiều trường hợp, sau khi các bên đã hoàn tất việc ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (“Hợp đồng”), nhưng sau đó lại ngỡ ngàng khi bị khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng vô hiệu cụ thể một trong các nội dung: Hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; Hợp đồng do giả tạo; do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, không làm chủ hành vi, do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; Hợp đồng bị nhầm lẫn; Hợp đồng bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép ký kết; do người xác lập không nhận thức và làm chủ hành vi của mình khi ký kết hoặc Hợp đồng không tuân thủ về hình thức.
Vì luật quy định, đối với các trường hợp Hợp đồng được xác lập bởi: người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, không làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện Hợp đồng bị nhầm lẫn; Hợp đồng bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép ký kết; do người xác lập không nhận thức và làm chủ hành vi của mình khi ký kết hoặc Hợp đồng không tuân thủ về hình thức thì người tham gia giao dịch có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên các Hợp đồng trên vô hiêụ trong thời hạn là 02 năm.
Ngoài ra, đối với Hợp đồng xác lập bị vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc Hợp đồng do giả tạo thì sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện và người tham gia giao dịch có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng vô hiêu kể từ khi phát hiện Hợp đồng có một trong 03 nội dung trên.
Hậu quả pháp lý khi Hợp đồng bị vô hiệu:
Khi các Hợp đồng trên bị tòa án tuyên vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó và Bên có lỗi nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Tuy nhiên, khi một bên có yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng vô hiệu nhưng không yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý thì Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố Hợp đồng vô hiệu. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Trường hợp Tòa án đã giải thích, nhưng tất cả đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả của Hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố Hợp đồng vô hiệu mà không phải giải quyết hậu quả Hợp đồng vô hiệu; trừ trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả Hợp đồng vô hiệu để nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba (Theo Công văn 01/2017/ GD-TANDTC hướng dẫn nghiệp vụ ngày 07 tháng 4 năm 2017).
Do đó, khi có yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của Hợp đồng vô hiệu, ngoài việc các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, thì “Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”, đây là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho một bên khi Hợp đồng bị tuyên vô hiệu do lỗi của bên kia.
Hơn nữa, theo tại Nghị quyết 02/2014/NQ-HĐTP ngày 10 tháng 8 năm 2004: quy định “Khi tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì Toà án cần xác định thiệt hại gồm: Khoản tiền mà bên chuyển nhượng phải bỏ ra để khôi phục lại tình trạng ban đầu của diện tích đất do bên nhận chuyển nhượng đã làm hủy hoại đất; khoản tiền mà bên nhận chuyển nhượng đã đầu tư để cải tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình, tài sản, cây lâu năm... trên đất. Trong trường hợp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có thoả thuận khác về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm Hợp đồng và bồi thường thiệt hại quy định tại Bộ luật dân sự để bảo đảm thực hiện Hợp đồng thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm hoặc các thiệt hại khác, nếu có. Để xác định đúng các thiệt hại nói trên, Toà án phải tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất và xác định thiệt hại về đất.” để ra quyết định hoặc bản án đúng pháp luật.
Do đó, khi Hợp đồng mua bán đất bị vô hiệu do lỗi của một bên, bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của Hợp đồng vô hiệu và yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là nội dung quy định về những trường hợp giải quyết khi Hợp đồng mua bán đất bị vô hiệu. Nếu Bạn mong muốn được hỗ trợ pháp lý về vấn đề nêu trên, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được các luật sư tư vấn và hỗ trợ.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào khi chưa được sự đồng ý của LS Law Firm điều xem như không được phép.