#ls #lslawfirm #thudoangiandoi #trongtoicuopgiattaisan
Để thực hiện hành vi cướp giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận gần chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi giật tài sản của họ. Trường hợp này, nếu không xem xét một cách toàn diện hành vi phạm tội sẽ dễ bị nhầm lẫn với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông qua bài viết dưới đây, LS Law Firm sẽ giới thiệu đến Quý độc giả về hành vi dùng thủ đoạn gian dối trong tội cướp giật tài sản.
Tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 171 Chương XVI của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) (“BLHS 2015”):
''Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Quy định nêu trên chỉ nhắc đến tội danh cũng như mức hình phạt áp dụng đối với tội cướp giật tài sản chứ không mô tả cụ thể thế nào là hành vi cướp giật tài sản. Căn cứ theo cấu thành tội danh thì tội cướp giật tài sản có thể được hiểu là hành vi công khai giật lấy tài sản của người khác hoặc đang trong sự quản lý của người có trách nhiệm quản lý về tài sản rồi nhanh chóng tìm cách tẩu thoát.
Về mặt khách quan của Tội cướp giật tài sản, hành vi phạm tội được xác định là hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai (yếu tố công khai được hiểu là về mặt ý thức của người phạm tội không có hành vi giấu diếm, che đậy và thực tế nạn nhân biết được người phạm tội đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của mình), nhanh chóng mà không sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay bất kì thủ đoạn nào khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Hành vi công khai, nhanh chóng được xác định là hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên trên thực tế, khi thực hiện hành vi phạm tội, ngoài hành vi khách quan nêu trên, người phạm tội còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác đi liền trước hành vi khách quan của cấu thành tội phạm.
Ví dụ: Anh A nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản là chiếc xe máy anh B (chạy xe ôm) từ trước, sau đó đã dùng thủ đoạn gian dối để xin chở anh B vì lấy lý do có việc vội và biết đường đi nên xin được chở anh B, sau khi đang di chuyển trên đường anh A giả vờ làm rơi túi xách nhờ anh B xuống xe nhặt giúp mình. Khi anh B vừa xuống xe nhặt túi xách, anh A liền vặn ga và bỏ chạy cùng với chiếc xe máy.
Như vậy, trong tình huống trên có hai hành vi được thực hiện gồm hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chở anh B, giả vờ làm rơi túi xách và hành vi vặn ga chạy xe đi mất. Trường hợp này, cần xác định xem hành vi nào là hành vi khách quan, hành vi nào là hành vi đi liền trước hành vi khách quan để xác định tội danh. Nếu hành vi khách quan là dùng thủ đoạn gian dối nhằm để nạn nhân tin tưởng và tự nguyện đưa tài sản thì xác định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Ngược lại, nếu hành vi khách quan là hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai, nhanh chóng thì trường hợp này phải xác định là Tội cướp giật tài sản.
Xét thấy, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để được chở anh B và giả vờ làm rơi túi xách để nhờ anh B xuống xe nhặt giúp trong tình huống này được xác định là hành vi đi liền trước hành vi khách quan, không phải là hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm vì: mặc dù người phạm tội có dùng thủ đoạn gian dối để nạn nhân tin tưởng giao chiếc xe máy nhưng trong trường hợp này ý thức nạn nhân là tạm thời giao xecho người phạm tội để họ điều khiển xe, nạn nhân vẫn quản lý, quan sát được tài sản của chính mình. Do đó, hành vi trên không dùng để xác định Tội danh. Tội danh trong tình huống này phải là Tội cướp giật tài sản với hành vi khách quan là chiếm đoạt tài sản công khai, nhanh chóng thông qua việc A vặn ga bỏ chạy nhằm chiếm đoạt chiếc xe của B khi B đang nhặt túi xách giúp A. Yếu tố công khai được xác định ở chỗ người phạm tội không dấu giếm, che dấu hành vi phạm tội của mình, thực tế nạn nhân biết được tài sản của mình đang bị chiếm đoạt.
Như vậy, dấu hiệu đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, nhanh chóng vàể dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội,người phạm tội có thể sử dụng thêm thủ đoạn gian dối đi liền trước hành vi khách quan. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong điều luật. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt không ảnh hưởng tới việc định tội đối với hành vi cướp giật tài sản.
Các hành vi phạm tội trên thực tiễn diễn ra ngày càng đa dạng, phức tạp, có cả dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này và cũng có cả dấu hiệu đặc trưng của tội phạm khác dẫn đến các quan điểm khác nhau trong việc định tội như ví dụ nêu trên. Do đó, khi kết luận tội danh cần xem xét kỹ lưỡng hành vi phạm tội trên thực tế để xác định được hành vi nào là hành vi khách quan cấu thành tội phạm, hành vi nào là hành vi đi liền trước trước hành vi khách quan, đảm bảo việc định tội đúng người đúng tội, đúng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là một số nội dung cơ bản về Hành vi dùng thủ đoạn gian dối trong Tội cướp giật tài sản dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.