#ls #lslawfirm #tietlothongtin #nhungduatrevotoi #tinhthatbonglai
“Tịnh Thất Bồng Lai” hay “Lê Tùng Vân” có lẽ là những cụm từ được nhắc đến khá nhiều trên khắp các trang mạng xã hội, các bài báo, bài viết và thu hút rất lớn sự quan tâm dư luận. Tuy nhiên, trong những bài báo, bài viết ấy lại có những thông tin, hình ảnh, những dòng bình luận nhắm đến danh tính, thông tin cá nhân của những đứa trẻ, mà chúng tôi cho rằng những đứa trẻ chính là những nạn nhân, những đối tượng cần được bảo vệ, chở che và các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em, đặc biệt trong môi trường mạng và các chế tài xử lý hành vi vi phạm trên như thế nào?
Theo Khoản 11, Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định những hành vi bị nghiêm cấm “Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.”.
Và Nghị định 56/2017/NĐ-CP về chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em 2016 có riêng 01 Chương IV quy định Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cụ thể tại Khoản 1 Điều 26 quy định “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.”.
Như vậy, khi đưa thông tin của trẻ em lên mạng xã hội nếu trẻ em dưới 07 tuổi phải được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; nếu trẻ em từ đủ 07 tuổi phải có sự đồng ý của trẻ và phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
Tuy nhiên, vẫn có một số cá nhân, tổ chức đã tự ý đưa thông tin tên tuổi, hình ảnh những đứa trẻ trong Tịnh Thất Bồng Lai lên các trang mạng xã hội và nó được chia sẻ rộng rãi. Hành vi trên có thể bị áp dụng biện pháp chế tài quy định tại Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 30.000.000 đồng và áp dụng Biện pháp khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm; buộc Thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân của trẻ em đối với hành vi vi phạm.
Đây cũng là điều khoản mới, rất cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em nói chung và những đứa trẻ trong Tịnh Thất Bồng Lai nói riêng, vì chúng là những đứa trẻ vô tội.
Do đó, để góp phần bảo vệ quyền trẻ em và không bị vi phạm pháp luật, thì cộng đồng mạng chúng ta cần dừng ngay việc đăng tải, chia sẻ những thông tin của trẻ em lên các trang mạng xã hội để các bé không bị tác động dư luận xã hội khi tham gia học hành giao tiếp với môi trường bên ngoài.
Trên đây là những nội dung về quyền bảo vệ thông tin của trẻ em. Nếu Bạn mong muốn được hỗ trợ pháp lý về các vấn đề nêu trên, hãy liên hệ với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được các luật sư tư vấn và hỗ trợ.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào khi chưa được sự đồng ý của LS Law Firm đều xem như không được phép.