#ls #lslawfirm #doituong #laodongdacthu
Lao động đặc thù là đối tượng lao động đặc biệt được pháp luật quy định những chế độ lao động riêng.
Đặc điểm lao động đặc thù
Hiểu một cách đơn giản thì lao động đặc thù là lao động có đặc điểm riêng về thể chất, tinh thần, tâm sinh lý,… Cụ thể như sau:
Về thể chất: Lao động đặc thù thường là các đối tượng có sức khỏe kém, không đủ hoặc chưa đủ khả năng lao động hoặc bị khiếm khuyết bộ phận, chức năng nào đó trên cơ thể khiến cho họ bị suy giảm khả năng lao động.
Về tinh thần: Tinh thần trong trường hợp này có thể hiểu là trí tuệ. Theo đó, lao động đặc thù là nhóm đối tượng có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi bị hạn chế.
Về tâm sinh lý: đặc điểm này thường biểu hiện thông qua giới tính, đổ tuổi.
Ví dụ: Lao động nữ còn có thiên chức làm mẹ, làm vợ, nuôi dưỡng và chăm sóc con cái; Lao động chưa thành niên cần điều kiện để phát triển năng lực pháp luật, năng lực hành vi.
Các đối tượng được pháp luật lao động xác định là lao động đặc thù
Theo Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ”) và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định nào về định nghĩa lao động đặc thù hay đối tượng được xác định là lao động đặc thù. Tuy nhiên BLLĐ có những quy định riêng đối với lao động nữ tại Chương X và những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác tại Chương XI. Theo đó, những đối tượng lao động thuộc các quy định nêu trên sẽ có những chế độ lao động riêng khác biệt với nhóm người lao động còn lại. Do đó, những đối tượng này được xác định là lao động đặc thù.
Như vậy, Lao động đặc thù bao gồm các nhóm sau:
Lao động nữ là người lao động có giới tính là nữ, đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động;
Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi (Khoản 1 Điều 143 BLLĐ);
Lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (Khoản 1 Điều 148 BLLĐ);
Lao động khuyết tật là người lao động khiếm khuyết một phần hoặc nhiều bộ phận cơ thể; hoặc bị suy giảm chức năng, biểu hiện dưới dạng tật khiến cho sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn.
Lý do cần thiết phải có các quy định riêng cho các đối tượng lao động đặc thù
Theo nội dung trên, lao động đặc thù là lao động có đặc điểm riêng về thể chất, tinh thần, tâm sinh lý,… so với các đối tượng lao động khác. Do đó, cần phải có những quy định riêng biệt để áp dụng cho các đối tượng này. Ngoài ra, việc quy định chế độ lao động riêng với lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi và lao động là người tàn tật có thể tạo điều kiện cho họ tham gia vào các quan hệ lao động, tận dụng mọi tiềm năng lao động của xã hội để sản xuất thêm của cải vật chất cho xã hội, góp phần giải phóng sức lao động. Quan trọng hơn cả là góp phần tăng thu nhập cho bản thân người lao động và gia đình họ trong điều kiện trợ cấp xã hội, phúc lợi xã hội còn hạn chế.
Do đó, xuất phát từ những đặc điểm riêng của các chủ thể tham gia quan hệ lao động, nên BLLĐ đã quy định về chế độ lao động nằm ngoài những quy định tại phần chung để áp dụng riêng cho một số đối tượng lao động đặc thù nhất định. Vì vậy, việc quy định chế độ lao động riêng cho các đối tượng này không phải là đặc quyền đặc lợi mà xuất phát từ hoàn cảnh thực tế và pháp luật cần phải bảo vệ những nhóm người trên.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là nội dung cơ bản về “đối tượng được xác định là lao động đặc thù” dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.