#ls #lslawfirm #doichattotunghinhsu
Đối chất là một hoạt động đặc thù của quá trình tố tụng nói chung, không chỉ áp dụng trong quá trình giải quyết những vụ việc dân sự mà cả những vụ án hình sự. Trong Tố tụng Hình sự, đối chất là một hoạt động trong giai đoạn điều tra, là biện pháp nghiệp vụ của Cơ quan điều tra để xác định sự thật khách quan của vụ án.
Đối chất trong Tố tụng Hình sự được quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng Hình sự (“BLTTHS”) 2015. Theo đó:
Đối tượng Đối chất
Khoản 1 Điều 189 BLTTHS 2015 không chỉ rõ đối tượng của đối chất là những ai mà chỉ nêu: “Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người …”
Việc có sự “mâu thuẫn trong lời khai” được hiểu rằng, chỉ đối chất giữa những người tham gia tố tụng mà những người đó đã được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên lấy lời khai từ trước. Như vậy, việc đối chất có thể tiến hành giữa bị can, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại…
Điều kiện tiến hành Đối chất
Có mâu thuẫn trong lời khai
Mâu thuẫn trong lời khai là sự trái ngược nhau, không thống nhất giữa những lời khai của hai hoặc nhiều người khác nhau về cùng một sự việc, tình tiết quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Đây là căn cứ trực tiếp để Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành đối chất giữa những người này.
Cơ quan điều tra đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn
Đây là phần quy định mới được bổ sung trong BLTTHS 2015. Nếu chỉ có mâu thuẫn trong lời khai là chưa đủ, chỉ khi Cơ quan điều tra đã tiến hành các biện pháp điều tra khác như: nhận dạng; khám xét, thu giữ tài liệu, vật chứng; khám nghiệm hiện trường; thực nghiệm điều tra… mà vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn thì mới tiến hành đối chất. Như vậy, đối chất là giải pháp điều tra cuối cùng.
Quy trình Đối chất trong Tố tụng Hình sự
Trước khi tiến hành đối chất:
Theo khoản 1 Điều 189 BLTTHS 2015: “Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất”.
Sự có mặt của Kiểm sát viên sẽ đảm bảo tính khách quan, công khai của hoạt động đối chất cũng như giúp kiểm sát viên nắm sâu hơn về hồ sơ vụ án đang điều tra.
Khoản 2 Điều 189 BLTTHS 2015 quy định: “Nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì trước khi đối chất, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối”.
Người làm chứng, người bị hại thường nắm nhiều thông tin quan trọng của vụ án, lời khai của họ sẽ là căn cứ giúp ích lớn cho quá trình phá án. Tuy nhiên, đây cũng là những người có khả năng cao phải chịu các sức ép tâm lý vì các mối quan hệ với bị can, bị cáo như quan hệ huyết thống, quan hệ tình cảm…; hoặc bị bị can, bị cáo đe dọa, sợ bị trả thù, sợ bị liên luỵ mà trốn tránh khai báo; hoặc vì tư thù… đưa ra những thông tin không đúng sự thật.
Do đó, Điều tra viên phải giải thích cho người làm chứng, người bị hại về quyền và nghĩa vụ của mình. Việc từ chối khai báo hoặc trốn tránh khai báo của người bị hại, người làm chứng nếu không có lý do chính đáng sẽ bị truy tố theo Điều 383 của Bộ luật Hình sự 2015. Người làm chứng khai báo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 375 của Bộ luật Hình sự 2015.
Trong quá trình đối chất:
Điều tra viên sẽ hỏi về mối quan hệ của những người tham gia đối chất, sau đó mới hỏi đến các tình tiết cần được làm sáng tỏ;
Điều tra viên có thể đưa ra các chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan;
Có thể cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau;
Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất.
Sau quá trình đối chất: Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người. Quá trình đối chất phải được lập thành Biên bản. Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Như vậy, Đối chất trong Tố tụng Hình sự được hiểu ngắn gọn: Đối chất là biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng tham gia việc hỏi đáp và đối chứng lời khai của nhau nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ.
Hoạt động đối chất là một móc xích quan trọng trong quá trình tố tụng hình sự. Thông qua đối chất, nhiều tình tiết quan trọng đã được làm sáng tỏ và góp phần không nhỏ vào việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Quá trình đối chất đòi hỏi sự công khai, minh bạch và hiệu quả. Điều này phụ thuộc rất lớn vào cơ quan có thẩm quyền, do đó, cơ quan có thẩm quyền cần nghiêm túc chấp hành các quy định về Đối chất trong Tố tụng hình sự để đảm bảo đạt được các mục tiêu trên.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Đối chất trong Tố tụng Hình sự. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý liên quan khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.