ls #lslawfirm #dieukien #quangcao #ghinhan #thucpham
Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi. Hoạt động quảng cáo cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Nếu như hoạt động quảng cáo giúp người tiêu dùng biết đến sản phẩm thì nhãn hàng hóa là căn cứ giúp họ lựa chọn thực phẩm phù hợp cho mình, ngoài ra nhãn hàng hóa còn giúp các cơ quan chức năng kiểm soát sản phẩm, kiểm tra hàng hóa. Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như quy định của pháp luật về việc quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm, LS Law Firm xin nêu một số nội dung sau!
Về quảng cáo thực phẩm (Điều 43 Luật An toàn thực phẩm 2010):
Việc quảng cáo thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Về nội dung quảng cáo, pháp luật quy định nội dung quảng cáo phải đáp ứng 03 điều kiện sau đây:
+ Bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo (Điều 19 Luật Quảng cáo 2012).
+ Được thẩm định trước khi tiến hành quảng cáo, quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận (khoản 3, Điều 43, Luật An toàn thực phẩm 2010).
+ Phải có Giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn (Điều 20 Luật Quảng cáo 2012).
Ngoài ra, trước khi đăng ký quảng cáo, tổ chức cá nhân có thực phẩm cần quảng cáo phải gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xác nhận nội dung quảng cáo. Đồng thời, pháp luật quy định không chỉ tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo mà kể cả người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo chỉ được quảng cáo đúng với nội dung đã được xác nhận.
Về ghi nhãn thực phẩm (Điều 44 Luật An toàn thực phẩm 2010):
Nhãn thực phẩm là một trong những cơ sở quan trọng để nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng hàng hóa. Trên nhãn hàng hóa phải có những thông tin bắt buộc về tên hàng hóa, tên địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và những nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn tùy theo tính chất hàng hóa. Trong đó, những nội dung quan trọng nhất đối với người tiêu dùng đó là hàng hóa, định lượng, doanh nghiệp sản xuất, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và đặc biệt là thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn sẽ tùy theo loại sản phẩm ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”. Ngoài ra, các thông tin ghi trên thực phẩm cũng là cơ sở để người tiêu dùng khiếu nại, tố cáo đến các doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng trong trường hợp hàng hóa hư hỏng, không đảm bảo an toàn hoặc gây ảnh hưởng sức khỏe khi dùng. Bên cạnh đó, nhãn hàng hóa là căn cứ để thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đã qua chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen, ngoài những nội dung bắt buộc chung còn phải tuân thủ các quy định sau đây:
+ Đối với thực phẩm chức năng phải ghi cụm từ “Thực phẩm chức năng” và không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh;
+ Đối với phụ gia thực phẩm phải ghi cụm từ “phụ gia thực phẩm” và các thông tin về phạm vi, liều lượng, cách sử dụng
+ Đối với thực phẩm đã qua chiếu xạ phải ghi cụm từ “thực phẩm đã qua chiếu xạ”
+ Đối với một số thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ “thực phẩm biến đổi gen”.
Như vậy, hoạt động quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập cụ thể như một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu cố tình không dán nhãn hoặc nhãn không ghi nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất,… Vì vậy, để khắc phục được những tồn đọng trên, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến quy định ghi nhãn hàng hóa nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng, giả nhái nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về điều kiện quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm dựa trên những quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Qúy khách có nhu cầu tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.