#ls #lslawfirm #dieukien #laodongnuocngoai
Trong điều kiện nền kinh tế hội nhập, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam như là một nhu cầu tất yếu của xã hội với sự phát triển của nền kinh tế. Để đảm bảo sự ổn định cho thị trường lao động Việt Nam, pháp luật lao động cũng đã có quy định chi tiết về vấn đề này.
Thực tế lao động nước ngoài vào làm việc tăng cao trong những năm trở lại đây, song không phải doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài nào cũng nắm rõ quy định pháp luật về điều kiện cần đáp ứng khi sử dụng đối tượng người lao động này.
Căn cứ Điều 151 Bộ luật lao động 2019 quy định Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Điều kiện 1. Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật dân sự 2015 thì người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Điều kiện 2. Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế
Người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc tương ứng với từng vị trí công việc theo quy định tại Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 70/2023/NĐ-CP:
“3. Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam
b) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
c) Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.
5. Giám đốc điều hành là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
6. Lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam
b) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.”
Về điều kiện sức khỏe: Người lao động nước ngoài phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe theo quy định để được làm việc tại Việt Nam và chỉ được khám sức khỏe tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh được liệt kê trong danh sách các cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài theo Thông tư 14/2013/TT-BYT trên toàn quốc được ban hành kèm theo công văn số 143/KCB-PHCN&GĐ ngày 05 tháng 02 năm 2015.
Điều kiện 3. Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.
Điều kiện 4. Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật lao động 2019.
Lưu ý: Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Căn cứ Điều 155 Bộ luật lao động 2019, Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.
Bên cạnh đó, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Như vậy, người sử dụng lao động khi tuyển dụng người lao động nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý về điều kiện để người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam. Đó là điều kiện tiên quyết khi và là cơ sở để cả người sử dụng lao động và người lao động không bị xử phạt hành chính.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày về điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.