#ls #lslawfirm #giaiquyettranhchap #trongtai
Trọng tài là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật. Những năm gần đây, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được các bên ưu tiên lựa chọn để giải quyết khi xảy ra xung đột. Để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Vậy điều kiện đó là gì?
Thứ nhất, các tranh chấp xảy ra phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài
Theo Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010, những tranh chấp sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài:
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Cụ thể theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Thứ hai, điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Căn cứ Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây nếu các bên muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài:
1. Các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Và để điều khoản trọng tài được thực thi thì khi thỏa thuận các bên cần lưu ý tránh trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo Điều 6 và Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài;
- Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự;
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định;
- Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu;
- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Như vậy, để áp dụng điều khoản thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì điều khoản đó phải tuân thủ các quy định nêu trên. Hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có nhiều ưu điểm, giúp các bên giải quyết tranh chấp nhanh chóng và không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Điều kiện áp dụng thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.