#ls #lslawfirm #diemdacbiet #toigietnguoi
Quyền sống (hay quyền được sống) là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của Nhân quyền. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Do đó, bất kỳ chủ thể nào có hành vi xâm phạm đến quyền được sống của một chủ thể khác đều phải chịu trách nhiệm pháp lý, cụ thể là trách nhiệm hình sự. Thông qua bài viết dưới đây, LS Law Firm sẽ giới thiệu đến Quý độc giả một số điểm đặc biệt trong quy định về tội giết người.
Tội giết người được quy định tại Điều 123 chương XI về Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) (“BLHS 2015”) như sau:
"Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
........
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm”.
Đầu tiên, về cấu trúc xây dựng điều luật
Các tội danh khác trong BLHS 2015 đa phần được xây dựng khung hình phạt theo chiều hướng tăng dần từ thấp đến cao; hành vi khách quan của tội phạm đi kèm với khung hình phạt nhẹ nhất áp dụng cho tội danh đó được quy định ngay đầu điều luật tại Khoản 1, sau đó lần lượt là các điều khoản về các trường hợp định khung tăng nặng đi kèm với khung hình phạt cao hơn.
Ví dụ: Điều 168 quy định về Tội cướp tài sản mô tả hành vi khách quan của tội phạm ngay tại Khoản 1 như sau “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”, khung hình phạt áp dụng ở khoản này là từ 03 năm đến 10 năm tù. Tiếp đó, Khoản 2 Điều luật quy định về các tình tiết định khung hình tăng nặng với khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù.
Trong khi đó, cấu trúc điều luật của Tội giết người có sự khác biệt với cấu trúc chung nêu trên, cụ thể: các tình tiết định khung hình tăng nặng của Điều luật được đưa lên đầu Điều luật tại Khoản 1 đi kèm với khung hình phạt cao nhất áp dụng cho tội danh này là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân hoặc tử hình. Sau đó, tại Khoản 2 quy định khung hình phạt nhẹ hơn là từ 07 năm đến 15 năm tù. Điểm khác biệt trong cách quy định này là phù hợp và dễ lý giải vì tính mạng, sức khỏe, thân thể con người là quan trọng nhất trong các quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ, được hiến pháp ghi nhận. Do đó, cách xây dựng cấu trúc điều luật như nêu trên đối với tội giết người là nhằm mục đích răn đe, cảnh báo đối với mọi suy nghĩ hoặc ý định thực hiện hành vi giết người.
Thứ hai, về cấu thành tội phạm
Căn cứ vào cấu trúc của cấu thành tội phạm có thể chia cấu thành tội phạm thành: cấu thành tội phạm hình thức và cấu thành tội phạm vật chất.
1. Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm có các dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
2. Cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm có một dấu hiệu của mặt khác quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Tội giết người được xác định là cấu thành tội phạm vật chất, tức là để xác định một hành vi có phạm tội giết người hay không thì hành vi đó phải gây ra hậu quả chết người và phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là ở Tội giết người là có thể xảy ra trường hợp hậu quả chết người chỉ là điều kiện xác định giai đoạn tội phạm hoàn thành, tức là tuy không có hậu quả chết người xảy ra nhưng người thực hiện hành vi vẫn phạm tội giết người vì có căn cứ xác định chủ thể phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp (người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra hoặc tất nhiên xảy ra nhưng vì mong muốn hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội) và hậu quả chết người không xảy ra là do nguyên nhân khách quan.
Tội giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội do xâm phạm trực tiếp đến quyền được sống của một hoặc nhiều cá nhân. Đây là một trong số ít những tội có thể bị áp dụng hình phạt tử hình - hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam. Do đó, quy định pháp luật về tội giết người cũng có những điểm đặc biệt so với quy định về các tội phạm khác.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là một số điểm đặc biệt trong quy định về Tội giết người dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.