#ls #lslawfirm #baohiem #danhtraokhainiem
Chịu ảnh hưởng từ áp lực doanh số bán hàng, cũng như nhu cầu về mức hoa hồng cao dẫn đến việc một bộ phận nhân viên bán bảo hiểm “đánh tráo khái niệm” để khách hàng hiểu sai và ký hợp đồng một cách mơ hồ. Vậy theo pháp luật Việt Nam hiện nay thì hành vi này có thể phạm tội gì?
1. “Đánh tráo khái niệm” là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có điều khoản nào quy định cụ thể về định nghĩa “đánh tráo khái niệm”. Có thể định nghĩa đơn giản như sau: “đánh tráo khái niệm” là hành vi thay thế khái niệm này bằng khái niệm khác, khiến người nghe hiểu sai về sự vật, sự việc nhằm đạt một mục đích nào đó không hợp pháp. Từ định nghĩa này, có thể hiểu “đánh tráo khái niệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm” là hành vi của nhân viên bán bảo hiểm đưa ra các khái niệm hay thuật ngữ thay thế khó hiểu, thậm chí không đúng với bản chất của hợp đồng bảo hiểm khiến khách hàng bị nhầm lẫn hoặc hiểu sai dẫn đến việc khách hàng ký kết hợp đồng bảo hiểm không đúng với mục đích ban đầu của họ.
Ví dụ: Trong thời gian gần đây, một số nhân viên bán bảo hiểm cố ý tư vấn sai cho khách hàng để bán bảo hiểm, thay vì hướng dẫn và mở sổ tiết kiệm theo nhu cầu của khách, những nhân viên này lại tư vấn mua gói sản phẩm liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, khẳng định với khách hàng rằng đây là gói tiết kiệm đầu tư có lãi suất cao và có tặng kèm gói bảo hiểm nhân thọ. Thông tin tư vấn này khiến khách hàng hiểu rằng gói bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm được tặng kèm theo dịch vụ gửi tiết kiệm, tin tưởng vào lời tư vấn của nhân viên và đồng ý ký kết hợp đồng. Cho đến khi có nhu cầu rút tiền tiết kiệm thì khách hàng mới phát hiện hợp đồng mà họ đã ký kết có nội dung khác hoàn toàn so với nội dung mà họ được tư vấn và chứa đựng nhiều điều khoản gây bất lợi với họ.
Như vậy, trong trường hợp này, nhân viên đã cố ý tư vấn sai sự thật, đưa ra các thông tin không đúng với bản chất của giao dịch, đánh tráo khái niệm “tham gia bảo hiểm” thành “gửi tiết kiệm có lãi suất cao” khiến khách hàng hiểu sai và ký kết hợp đồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Nhân viên “đánh tráo khái niệm” để ký hợp đồng bảo hiểm có thể phạm tội gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp nhân viên cố ý đưa ra thông tin sai sự thật, “đánh tráo khái niệm” để khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm nhằm thu lợi bất chính có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (“BLHS”). Hành vi phạm tội là những nhân viên này đã đưa ra thông tin giả, sai sự thật để làm cho khách hàng tin là thật và tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội. Về phía khách hàng, do bị lừa dối nên họ mới đồng ý ký kết hợp đồng bảo hiểm này, với tài sản bị chiếm đoạt có trị từ 2.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, hành vi “đánh tráo khái niệm: của nhân viên bảo hiểm để ký kết hợp đồng bảo hiểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy theo từng mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể mức hình phạt tương ứng. Do vậy, nhân viên bảo hiểm cần lưu ý về các chế tài xử lý của pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày đến Quý khách nhân viên bảo hiểm “đánh tráo khái niệm” để ký kết hợp đồng bảo hiểm có thể phạm tội gì dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.