#ls #lslawfirm #dactinh #ynghia #chungcu
Chứng cứ đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Dựa vào chứng cứ, đương sự có cơ sở để chứng minh sự thật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ xác định chính xác tính chất vụ việc và đưa ra kết luận một cách khách quan, công bằng và đúng đắn. Vì vậy, đặc tính và ý nghĩa của chứng cứ là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp ích cho bạn!
Khi nói đến chứng cứ, ta thường biết đến ba đặc tính sau đây:
Một là, tính khách quan của chứng cứ:
Tính khách quan của chứng cứ hay còn gọi là tính xác thực được quy định tại khoản 1 Điều 108 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: “Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác”.
Chứng cứ tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của đương sự và đương sự chỉ có thể thu thập, nghiên cứu, xem xét chứng cứ có là cơ sở để giải quyết vụ việc dân sự hay không. Do đó, mọi hành vi làm thay đổi bản chất, xuyên tạc nội dung của chứng cứ đều không được phép và được coi là hành vi làm giả chứng cứ và những thông tin, tài liệu, đồ vật giả trên không được sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ việc dân sự. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành thu thập, nghiên cứu chứng cứ phải chú ý đến tính khách quan, xem xét nội dung của các thông tin, tài liệu, đồ vật đó có xác thực hay không? Nó được tạo ra như nào? Có phản ảnh đúng bản chất của sự việc? Có được coi là căn cứ để đánh giá đúng sự việc hay không? Việc xác định tính khách quan này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chứng minh các tình tiết, sự kiện pháp lý và góp phần giải quyết vụ việc dân sự được công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Hai là, tính liên quan của chứng cứ:
Khi tiến hành khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc, các đương sự, cơ quan, tổ chức phải cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ việc dân sự. Những tài liệu này được coi là chứng cứ nếu nó phản ảnh đúng, liên quan trực tiếp đến vụ việc và là cơ sở để Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng.
Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan gián tiếp đến vụ việc và phải xâu chuỗi, xem xét, đánh giá nó trong mối quan hệ với các thông tin, tài liệu, đồ vật khác và sự kiện pháp lý mới thấy được giá trị chứng minh của nó. Mặc dù có mối quan hệ gián tiếp nhưng trong nhiều trường hợp, quá trình giải quyết vụ việc không thể thiếu các thông tin, tài liệu, đồ vật này.
Bên cạnh đó, nếu để các tài liệu độc lập, tách riêng với lời khai của đương sự thì đó không được coi là cơ sở để đánh giá khách quan vụ việc. Ngược lại, nếu chứng cứ phù hợp những lời khai của đương sự thì chính sự liên quan này sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền xác định rõ bản chất, sự thật khách quan của vụ việc dân sự đó.
Ba là, tính hợp pháp của chứng cứ:
Tính hợp pháp được hiểu là những thông tin, tài liệu, đồ vật,… do đương sự cung cấp hoặc do Tòa án thu thập phải phù hợp với quy định của pháp luật Tố tụng dân sự. Muốn trở thành chứng cứ thì thông tin, tài liệu, đồ vật trên phải được thu thập và bảo quản theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định thì mới có giá trị pháp lý và được sử dụng để làm cơ sở đánh giá trong quá trình giải quyết vụ việc.
Ví dụ: Bản photocopy hợp đồng không được chứng thực và không có bản chính để xuất trình cho Tòa án đối chiếu và các đương sự không thừa nhận nội dung, chữ ký...thì bản photocopy này không có giá trị chứng minh do không bảo đảm về tính hợp pháp.
Như vậy, để một thông tin, tài liệu, đồ vật,… được coi là chứng cứ phải đảm bảo đủ ba đặc tính: Khách quan, liên quan và hợp pháp mới có giá trị chứng minh và là cơ sở để Tòa án giải quyết vụ việc dân sự. Việc phân tích các thuộc tính của chứng cứ không chỉ có ý nghĩa về mặt lí luận mà còn có vai trò quan trọng về mặt thực tiễn, giúp cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ theo quy định của pháp luật và đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ việc dân sự được khách quan.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Đặc tính và ý nghĩa của chứng cứ trong tố tụng Dân sự dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Qúy khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.