#ls #lslawfirm #chuyennhamtien #hoantra
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, ngày nay con người dần chuyển đổi hình thức thanh toán từ tiền mặt sang chuyển khoản. Đi cùng với sự chuyển đổi ấy đã xuất hiện tình trạng chuyển nhầm tiền. Vậy khi chuyển nhầm tiền vào số tài khoản khác thì có được hoàn trả lại không? Pháp luật hiện hành đã có những quy định bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong trường hợp này hay chưa? Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc cho quý độc giả về vấn đề này.
Quy định pháp luật về nghĩa vụ hoàn trả tiền khi nhận chuyển nhầm từ người khác
Pháp luật Việt Nam có quy định về nghĩa vụ hoàn trả lại tiền của người nhận được tiền bị chuyển nhầm. Nghĩa vụ hoàn trả lại tiền này được quy định cụ thể trong các Luật, Bộ luật và văn bản dưới luật như Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (“Thông tư 23/2014/TT-NHNN”), Thông tư 02/2019/TT-NHNN và một số văn bản pháp luật khác có liên quan.
Số tiền bị chuyển nhầm mà chủ tài khoản bị chuyển nhầm nhận được không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của họ, vì vậy khi nhận được số tiền do người lạ chuyển khoản nhầm, chủ tài khoản phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền chuyển khoản nhầm cho chủ tài khoản có quyền sở hữu hợp pháp số tiền này theo quy định tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015:
“Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.”
Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng quy định về nghĩa vụ hoàn trả này, cụ thể tại điểm c, d khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định chủ tài khoản có nghĩa vụ:
“c) Kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng;
d) Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi có vào tài khoản thanh toán của mình.”
Thể hiện rằng, việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân, cụ thể là tiền của khách hàng tham gia giao dịch bằng hình thức chuyển khoản được bảo vệ khi thực hiện giao dịch chuyển nhầm không chỉ từ chính khách hàng mà còn là nghĩa vụ của cả tổ chức tín dụng. Dựa vào các căn cứ nêu trên, chủ tài khoản có nghĩa hoàn trả số tiền đã được chuyển vào tài khoản của mình do nhầm lẫn, sai sót. Tuy nhiên, về tổ chức tín dụng có thực hiện việc chuyển trả lại số tiền bị chuyển khoản nhầm phải phụ thuộc vào yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc sự chấp thuận của khách hàng, tổ chức tín dụng không đương nhiên thực hiện nghĩa vụ hoàn trả khi xác định có sai sót, nhầm lẫn.
Ngoài ra, khi nhận được tiền mà biết rõ đó là tiền chuyển khoản nhầm nhưng không chịu trả lại cho chủ sở hữu thì chủ tài khoản bị chuyển nhầm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ tài sản trái phép khi thỏa các điều kiện sau:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Nếu hành vi không đủ cấu thành tội phạm tội chiếm giữ tài sản trái phép (giá trị tài sản không đủ như luật định...), người chuyển khoản nhầm có thể làm đơn khởi kiện dân sự đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Vì vây, cần lưu ý trước khi yêu cầu truy cứu trách nhiệm đối với hành vi “nhặt được của rơi không mong muốn trả lại người mất” khi thực hiện giao dịch trên các ứng dụng chuyển khoản (Momo, ViettelPay, ZaloPay, … gọi là bên trung gian) cần đợi một khoảng thời gian nhất định để được bên trung gian tiến hành ghi nhận xử lý, pháp luật không can thiệp vào trong quá trình này.
Như vậy, khi thực hiện giao dịch chuyển tiền cần phải chú ý những thông tin cần thiết như số tài khoản, tên người thụ hưởng, số tiền, nội dung, … để tránh những trường hợp xảy ra tranh chấp không đáng có.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày đến Quý khách chuyển nhầm tiền thì có được hoàn trả lại không dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.