#ls #lslawfirm #chuky #giaodichdansu
Chữ ký trong giao kết hợp đồng dân sự đóng vai trò vô cùng quan trọng và mang đến những lợi ích cho các bên tham gia giao dịch dân sự. Hiệu lực pháp lý về chữ ký là cơ sở để xác nhận tính hợp pháp và đáng tin cậy của các giao dịch dân sự. Điều này mang lại sự bảo đảm về quyền và lợi ích của các bên tham gia. Trong phạm vi bài viết này sẽ làm rõ các loại chữ ký và giá trị pháp lý của chữ ký trong giao kết hợp đồng dân sự.
Hợp đồng là một giao dịch dân sự, hình thức của hợp đồng có thể là lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Vì thế, không tồn tại chữ ký đối với các loại Hợp đồng này. Tuy nhiên, xét riêng về quy định đối với các hợp đồng dân sự giao kết bằng văn bản quy định tại khoản 4 Điều 400 Bộ Luật Dân sự 2015, thời điểm giao kết hợp đồng để hợp đồng có hiệu lực pháp luật đối với giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. Chính vì thế, việc nắm bắt tính pháp lý của chữ ký là điều cần thiết.
Các loại chữ ký trong giao kết hợp đồng dân sự hiện nay:
Chữ ký có giá trị pháp lý điển hình là chữ ký tay, loại chữ ký phổ biến và dễ nhận thấy trong các hợp đồng dân sự, giá trị của chữ ký tay là hoàn toàn được thừa nhận khi ký kết. Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định giá trị pháp lý đối với chữ ký số, chữ ký điện tử.
Điều 21 Luật Giao dịch điện tử 2005 về chữ ký điện tử quy định: “Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.”
Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định:
"6. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên”.
Giá trị pháp lý của chữ ký trong giao kết hợp đồng dân sự:
Về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, Điều 24 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định:
“1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu; Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi;
b) Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này và chữ ký điện tử đó có chứng thực”.
Có thể thấy, chữ ký điện tử có giá trị pháp lý, khi đáp ứng đủ điều kiện bảo mật thì hoàn toàn có khả năng thay thế chữ ký viết tay khi các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử.
Về giá trị pháp lý của chữ ký số, theo Điều 8 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định:
“1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;
3. Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Chương V Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.”
Kết luận: Chữ ký xác thực và chứng minh ý định của các bên, đảm bảo rằng họ đã đồng ý và cam kết thực hiện các điều khoản và điều kiện của hợp đồng. Nó là một biểu tượng rõ ràng và pháp lý của sự cam kết và tin tưởng giữa các bên. Chữ ký cũng bảo vệ quyền và lợi ích của các bên, đồng thời cung cấp bằng chứng về sự tồn tại và nội dung của hợp đồng. Trong trường hợp tranh chấp, chữ ký có thể được sử dụng như một bằng chứng để chứng minh ý định và cam kết của các bên. Chính vì thế, đối với giao kết hợp đồng cần chữ ký thì việc nắm vững giá trị pháp lý của ba loại chữ ký này là một việc cần thiết trong việc tiến hành giao kết, giúp chủ thể tham gia giao kết trách rủi to pháp lý và những vướng mắc về sau.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây chúng tôi đã trình bày đến Quý khách Chữ ký trong giao kết hợp đồng dân sự dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào điều xem như không được phép./.