#ls #lslawfirm #thuchienhopdong #buoctieptucthuchiendunghopdong
Trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015, trong đó có nguyên tắc “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không hiếm trường hợp một trong các bên không thực hiện đúng hợp đồng (hợp pháp) và câu hỏi đặt ra là bên kia của hợp đồng có được yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng không?
Ghi nhận nguyên tắc buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng:
Thứ nhất, buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng có vai trò bảo vệ quan hệ hợp đồng, giúp các bên đạt được những lợi ích mà họ hướng đến khi giao kết hợp đồng: người mua có tài sản - đối tượng của hợp đồng, còn người bán được thanh toán giá tài sản này. Điều đó có nghĩa là, với biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng, mục đích mà các bên theo đuổi khi giao kết hợp đồng được đáp ứng. So với các biện pháp khác khi có việc không thực hiện đúng hợp đồng, buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng là biện pháp đơn giản và hiệu quả vì giúp bên có quyền đạt được lợi ích mong đợi từ hợp đồng.
Thứ hai, nếu không có nguyên tắc chung thì chỉ có thể buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng trong những trường hợp mà pháp luật có quy định cụ thể. Điều đó có nghĩa là, đối với mỗi trường hợp, phải đối chiếu với các quy định của pháp luật với hệ quả là khi việc yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng không thuộc các trường hợp mà pháp luật đã quy định thì sẽ không có cơ sở để chấp nhận. Đồng thời, chúng ta buộc phải xem là nghĩa vụ không được thực hiện đúng có thuộc trường hợp nêu tại các quy định này hay không trong khi đó việc đánh giá này không đơn giản đối với một số trường hợp. Ngược lại, nếu tồn tại một nguyên tắc chung thì các quy định cụ thể nêu trên chỉ là một số trường hợp cho phép yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng; và ngoài những trường hợp cụ thể này, chúng ta vẫn có thể cho tiếp tục thực hiện hợp đồng trên cơ sở của nguyên tắc chung.
Thứ ba, theo Bộ luật dân sự: Cam kết, thỏa thuận hợp pháp (hay không vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội trong Bộ luật dân sự 2015) “có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên”. Như vậy, khi hợp đồng đã được giao kết hợp pháp thì “có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên”: các bên phải thực hiện. Do đó, buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng chỉ là hệ quả thông thường của nguyên tắc trên. Vẫn theo Bộ luật dân sự, cam kết, thỏa thuận hợp pháp phải được người khác “tôn trọng” nên khi Tòa án được yêu cầu thì Tòa án cũng phải “tôn trọng” hợp đồng.
Tóm lại, mục đích của các bên khi kí kết hợp đồng là muốn các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng được thực hiện đúng, đầy đủ và thiện chí mang lại lợi ích cho mỗi bên chứ không phải nhằm đạt được lợi ích từ việc nộp phạt hay bồi thường thiệt hại từ phía chủ thể kia. Vì vậy, khi một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ đã nêu trong hợp đồng thì bên còn lại có quyền yêu cầu buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về buộc thực hiện đúng hợp đồng dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép, sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.